Nếu Sàn giao dịch Kim loại London (LME) ra lệnh cấm đối với nguồn cung của Nga, đây sẽ là một cơn địa chấn đối với ngành kim loại vì nó khiến một số công ty khai khoáng lớn nhất thế giới bị loại khỏi thị trường toàn cầu.

LME hiện vẫn chưa đưa ra quyết định, nhưng ngày 06/10, họ đã khởi động một vòng thảo luận chính thức kéo dài 3 tuần để bàn về khả năng cấm kim loại của Nga, bắt đầu sớm nhất từ tháng 11.
Trên thực tế, một lệnh cấm như vậy đồng nghĩa kim loại từ Nga – chiếm khoảng 9% sản lượng nickel, 5% sản lượng nhôm và 4% sản lượng đồng toàn cầu – không còn được đưa vào bất kỳ kho hàng nào trên thế giới thuộc hệ thống của LME – nơi lưu kho số kim loại được sử dụng để giao hàng khi các hợp đồng tương lai hết hạn.
Nếu LME cấm giao dịch nhôm của Nga, điều này sẽ loại bỏ khả năng dư thừa nguồn cung. Khi Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về kế hoạch của LME, giá nhôm tăng 8.5%, mức tăng lớn nhất trong một ngày. Nguyên nhân là những nhà giao dịch, vốn đang dự đoán dư cung ở Nga, nhanh chóng đảo ngược vị thế bán của họ. Tính đến cuối tuần trước, giá nhôm tăng khoảng 10% từ đáy 19 tháng được ghi nhận vào tuần cuối cùng của tháng 9.

Việc LME thảo luận về khả năng cấm kim loại Nga có thể khiến doanh số bán hàng của Nornickel sang châu Âu giảm đáng kể. Điều này có nghĩa là lệnh cấm có thể buộc các công ty Nga phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn.
Nornickel đã cân nhắc các lựa chọn để chuyển hướng một số hoạt động bán hàng sang phía đông nếu các lệnh trừng phạt chống lại Nga không cho phép họ duy trì cơ cấu bán hàng hiện tại, giám đốc điều hành Vladimir Potanin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RBC TV vào tháng 9.
“Cuối cùng thì điều này sẽ không làm thay đổi cán cân cung – cầu, nhưng nó có nghĩa là một phần nguồn cung kim loại không có nơi để giao dịch. Ai đó sẽ mua được số kim loại đó với giá chiết khấu”, Colin Hamilton, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets, cho biết.